CHƯƠNG MASCO: 0905.645.345

Ứng dụng đào tạo lái xe bằng cabin điện tử

Ngày đăng: 26-11-2019

(ANTV) -Các trung tâm đào tạo lái xe sẽ phải đầu tư mô hình cabin tập lái. Đây là một trong những qui định mới về đào tạo lái xe đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Dự kiến chương trình đào tạo lái xe ô tô mới sẽ quy định mỗi học viên phải có tối thiểu 3 giờ tập luyện trên cabin điện tử.

Khởi động, vào số và khởi hành, những thao tác như trên buồng lái ô tô thật được thiết lập với cabin tập lái. Bên cạnh đó, các điều kiện về đường sá, thời tiết hay tình huống giao thông khác nhau cũng được cài đặt để người học làm quen, tạo kỹ năng lái xe và kinh nghiệm xử lý tình huống.
 
Ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch tập đoàn HC cho biết, các tình huống đã được mô phỏng trên cabin thì sẽ tạo ra cảm giác tự tin cho người mới học ra đường. Học viên sẽ được trải nghiệm các tình huống giao thông, điều kiện giao thông từ đường trơn trượt, mưa bão, đường tuyết, hay xuống cầu phà tất cả những tình huống đó không phải bất cứ trung tâm đào tạo nào cũng có thể cho học viên trải nghiệm và học tất cả
 
Theo các học viên học lái xe, mô hình cabin tập lái rất cần thiết với người mới học lái, bởi nó tạo cảm giác an toàn khi lần đầu cầm vô lăng. Người học sẽ được làm quen với những bài tập cơ bản như: cách vận hành số xe, thực hành bài đề pa lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch. Phần tiếp theo là bài tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên các địa hình: đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong thành phố. 
 
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết việc áp dụng cabin tập lái điện tử nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo lái xe. Bên cạnh đó còn giúp các học viên chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian học tập; cabin điện tử cũng giúp bảo vệ môi trường hơn so với việc luyện tập bằng các phương tiện thật.
 
Trao đổi ANTV, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, thiết bị tập lái 3D đã tích hợp, giúp người sử dụng nhận biết được các yếu tố cơ bản về địa hình, tình huống giao thông khi điều khiển xe ô tô trên đường. Trong mô hình thiết bị tập lái, các vụ TNGT cũng sẽ được mô phỏng bằng phần mềm để người học có thể tham khảo, xử lý các tình huống và nhận biết hậu quả do TNGT. Hiện Tổng cục đường bộ Việt Nam cũng đang xây dựng thêm các phần mềm, các quy chuẩn mô phỏng bổ sung vào chương trình đào tạo cho phù hợp với các tình huống diễn ra ở thực tế nhất.
 
Theo quy định, thời gian mỗi học viên học lái xe sẽ phải học với thiết bị mô phỏng là 3 giờ trước khi ra tập lái trên đường. Hiện Tổng cục đã xây dựng kế hoạch triển khai trình Bộ GTVT phê duyệt. Dự kiến, bắt đầu từ ngày 1/6/2020, các trung tâm đào tạo lái xe sẽ phải đầu tư cabin tập lái để phục vụ công tác đào tạo lái xe ô tô. Số lượng thiết bị mô phỏng tập lái ở mỗi cơ sở đào tạo phụ thuộc vào lưu lượng đào tạo của từng nơi.