CHƯƠNG MASCO: 0905.645.345

10 cách giúp bạn an toàn khi tập lái xe hơi

Ngày đăng: 26-07-2019

Những ai mới tập lái xe hơi có thể bối rối không biết mình nên điều khiển xe ra sao mới an toàn và đúng cách. Thật ra, cách lái xe hơi an toàn không quá khó nếu bạn tuân thủ luật giao thông và giữ sức khỏe tốt.

Quá trình tập lái xe hơi có thể rất khó khăn vì bạn không biết nên kiểm soát tốc độ ra sao, chỉnh gương thế nào hay cầm bánh lái ở đâu. Vậy bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những cách lái xe hơi an toàn nào bạn cần tuân thủ để hạn chế tai nạn giao thông nhé.

1. Bảo dưỡng xe thường xuyên

 

Việc đi bảo dưỡng xe hơi định kỳ không chỉ giúp xe bền đẹp mà còn giúp bạn lái xe hơi an toàn hơn. Thợ bảo dưỡng sẽ giúp bạn kiểm tra và sửa chữa những bộ phận không còn tốt để đảm bảo xe của bạn không có vấn đề gì khi đang lưu thông trên đường. Mỗi hãng xe hơi có lịch bảo dưỡng định kỳ của riêng mình nên bạn cần nhớ khoảng thời gian này để đi kiểm tra đúng hẹn. 

Tuy nhiên, bạn cần đưa xe đi kiểm tra nếu thấy có vấn đề chứ không cần đợi tới đợt bảo dưỡng định kỳ. Những chi tiết bạn cần chú ý để phát hiện vấn đề kịp thời khi tập lái xe hơi là:

• Lốp xe: Lốp xe có vấn đề là một trong những nguyên nhân khiến bạn dễ gặp nguy hiểm. Bạn sẽ khó điều khiển xe nếu lốp xe quá căng, quá mềm hay áp suất giữa các lốp không đều. Tình trạng lốp xe bị mòn cũng có thể gây nguy hiểm nên bạn cần để ý thay kịp thời. 

• Thắng xe: Bạn cần đi kiểm tra thắng xe nếu thấy thắng quá “mềm” và bạn đạp thắng quá dễ hay nếu xe bị rung khi thắng. Đây là những dấu hiệu cho thấy thắng đã bị mòn hoặc máy móc trong xe có vấn đề đấy.

2. Đeo dây an toàn khi lên xe

 

đeo dây an toàn khi tập lái xe hơi 5

Bạn có thể giữ an toàn cho bản thân khi tập lái xe hơi bằng cách thắt dây an toàn đúng quy định. Một số thống kê cho thấy hơn nửa số trường hợp tử vong do tai nạn xe hơi là những người không sử dụng dây an toàn khi ngồi trong xe. 

Dây an toàn giúp bạn không bị chúi người về phía trước và va chạm với kính chắn gió khi phải thắng gấp. Nếu không đeo dây an toàn, bạn có thể bị chấn thương đầu hay gãy xương nếu bị va đập với cửa xe hay kính chắn gió dù đang lái xe với tốc độ thấp. Hậu quả khi lái xe tốc độ cao mà không đeo dây an toàn còn nghiêm trọng hơn nhiều.

3. Luôn tập trung vào việc lái xe

 

Việc dùng điện thoại khi lái xe không những vi phạm luật giao thông mà cũng khiến bản thân bạn gặp nguy hiểm. Nếu dùng điện thoại khi lái xe, tốc độ phản ứng của bạn với các tình huống trên đường có thể chậm hơn tới 20%. Bạn sẽ khó xử lý kịp khi có xe khác chuyển làn đột ngột hay có người xuất hiện bất ngờ trên đường.

 

Ngoài điện thoại di động, bạn cũng cần tránh các hành động gây mất tập trung khi tập lái xe hơi khác như ăn uống, trang điểm, đùa giỡn với những người trong xe… Những hành động này cũng khiến bạn không xử lý kịp các tình huống trên đường.

4. Không lái xe khi buồn ngủ

 

không tập lái xe hơi khi buồn ngủ 4

Một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Virginia Tech (Hoa Kỳ) thực hiện chỉ ra rằng 20% các vụ tai nạn xe hơi là do tài xế lái xe trong khi buồn ngủ. Những tình huống tài xế ngủ gật khi lái xe cũng có những hậu quả vô cùng thương tâm.

Ngay cả khi lái xe trên đường thẳng và ít chướng ngại vật, bạn cũng có thể lạc tay lái và đâm phải cây cối hay con lươn (dải phân cách) nếu thiếu tỉnh táo. Thậm chí, bạn chỉ ngáp vài giây cũng có thể xao lãng việc quan sát đường và tăng nguy cơ gặp tai nạn.  

Tình trạng không ngủ đủ giấc mỗi đêm sẽ khiến bạn cảm thấy lờ đờ và kém tập trung khi lái xe. Hơn nữa, tình trạng thiếu ngủ còn khiến hệ miễn dịch suy yếu và tâm trạng không tốt. Vậy nên, bạn hãy cố gắng ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm để luôn tỉnh táo, vui vẻ cả ngày.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Thiếu ngủ ảnh hưởng như thế nào đến não bộ của bạn?

 

Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ khi đang lái xe, hãy nhờ người nào đó lái hộ. Nếu bạn đi một mình hay những người đi cùng không biết lái xe, bạn cần dừng lại một hàng quán có chỗ nghỉ ngơi.

5. Không lái quá tốc độ quy định

 

Bạn lái xe càng nhanh thì nguy cơ gặp tai nạn khi tập lái xe hơi càng tăng. Việc đi nhanh hơn tốc độ quy định khoảng 15km/h chỉ giúp bạn đến nơi sớm hơn vài phút nhưng tăng nguy cơ gặp tai nạn tới 50%. 

Vậy nên bạn hãy tuân thủ quy định về tốc độ cho xe hơi. Khi tập lái xe hơi, bạn cần nhớ các tốc độ tối đa như sau:

Ở khu đông dân cư

– Đường hai chiều hay một chiều có dải phân cách: 60km/h

– Đường hai chiều hay một chiều không có dải phân cách: 50km/h

Ở khu ít dân cư

– Đường hai chiều hay một chiều có dải phân cách: 90km/h

– Đường hai chiều hay một chiều không có dải phân cách: 80km/h

Cách lái xe hơi với vận tốc vừa phải, đúng quy định sẽ giúp bạn giữ được khoảng cách hợp lý với xe đi trước. Việc giữ khoảng cách an toàn sẽ giúp bạn xử lý kịp thời khi xe trước mặt cua quẹo, chuyển làn hay dừng đột ngột…

 

Thay vì lái xe vội vã và vi phạm tốc độ quy định, bạn hãy khởi hành sớm hơn để không bị trễ việc.

6. Không lái xe khi say rượu

 

không tập lái xe hơi khi say xỉn 3

Việc lái xe sau khi uống rượu bia là vi phạm luật giao thông nên có thể khiến bạn bị phạt rất nặng. Hơn nữa, có rất nhiều tai nạn xe cộ xảy ra chỉ vì tài xế say xỉn khi cầm lái. Vậy nên, cách đơn giản để giữ an toàn khi tập lái xe hơi là không uống rượu bia khi tham gia giao thông.

 

Ngoài những tác hại lên sức khỏe, rượu bia có thể giảm tốc độ phản ứng khi lái xe của bạn khá nhiều. Nếu bạn uống nhiều, rượu bia còn có thể ảnh hưởng tới thị giác và thậm chí khiến bạn mất kiểm soát.

 

Bạn có thể tìm hiểu nhiều cách hạn chế rượu bia mà không làm mất lòng bạn bè. Nếu bạn muốn uống rượu bia, hãy nhờ người không uống chở mình về hoặc gọi taxi để an toàn hơn nhé.

7. Lái cẩn thận hơn khi thời tiết xấu

 

Bạn cần cẩn trọng hơn nếu phải lái xe khi mưa bão lớn hay sương mù dày đặc. Khi gặp thời tiết không thuận lợi, bạn cần lái xe thật chậm, duy trì khoảng cách lớn hơn với xe trước mặt và quẹo cua chậm hơn. Tốt hơn hết là bạn nên tránh ra đường trong những ngày thời tiết xấu. Trời mưa lớn bất ngờ khi đang lái xe khiến bạn mất tầm nhìn nên bạn hãy tìm chỗ trú ẩn để đợi mưa ngớt. 

8. Cầm bánh lái đúng cách

 

tập lái xe hơi 2

Bạn hãy tưởng tượng bánh lái như mặt đồng hồ số với các vạch chỉ giờ từ 1 tới 12. Nhiều người thích đặt tay ở vị trí 10 và 2 giờ nhưng đây không phải cách lái xe hơi an toàn. Nếu đặt tay ở vị trí này, bạn khó giữ vững tay lái ở những đoạn đường gồ ghề hay đánh lái không kịp khi cua quẹo.

Bạn nên đặt tay ở vị trí 9 và 3 giờ hoặc thấp hơn chút là vị trí 8 và 4 giờ. Những vị trí này giúp bạn kiểm soát tay lái tốt hơn và giữ xe ổn định hơn dù đi vào những đường gập ghềnh. Đây cũng là vị trí dễ chịu nhất khi bạn phải giữ tay trong một thời gian dài. 

9. Điều chỉnh gương của xe

 

Bạn có thể hạn chế điểm mù của xe bằng cách điều chỉnh các gương chiếu hậu của xe. Bạn hãy chỉnh sao cho gương giữa xe có thể bao quát hết kính chắn gió phía sau. Bạn cũng nên chỉnh hai gương bên hông xe sao cho có tầm quan sát rộng nhất. Để bảo đảm tầm nhìn, bạn không nên đặt những vật quá lớn ở cốp xe vì những vật này có thể khiến bạn không thấy được những xe đi sau mình qua kính chiếu hậu.

10. Tập lái xe hơi thật nhiều

 

Thực hành lái xe thường xuyên là cách giúp bạn thuần thục các kỹ năng quan trọng như đánh lái, chuyển làn đường, đỗ xe đúng cách… Vậy nên, bạn hãy học lái xe hơi nghiêm túc và thực hành thật nhiều để mài dũa kỹ năng. Khi đã quen với các kỹ năng lái xe hơi, bạn sẽ không những thấy thoải mái hơn khi ngồi trong xe mà cũng xử lý tình huống chính xác hơn nữa. Đồng thời, nếu là nữ, bạn tránh đi giày cao gót khi lái xe. 

Khi giữ sức khỏe ổn định và tinh thần tỉnh táo, bạn sẽ có thể tập lái xe hơi an toàn hơn mà không sợ những tình huống bất ngờ trên đường. Bạn cũng nên lưu ý tuân thủ luật giao thông để bảo vệ bản thân và những người cùng tham gia giao thông nhé.